"Khi có đủ nhiệt tình, ta chỉ cần tô màu một chiếc lá, cũng đủ nhuộm xanh cả một con đường.” - lời dạy của cô giáo Đinh Thị Hồng Thắm chắc chắn sẽ in sâu vào tâm trí những cô, cậu học trò 7A1 và cả trong lòng những người dự giờ, thăm lớp ngày hôm đó nữa.
Chuyên đề cấp huyện "Vận dụng mô hình lớp học đảo ngược nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của Học sinh qua chủ đề “Bảo vệ cảnh quan môi trường thành phố Hà Nội” được tổ chức ngày thứ 6 (12/04/2024), tại trường THCS Vĩnh Quỳnh, với sự góp mặt của các thầy cô giáo chuyên viên phòng Giáo dục, các thầy cô giáo dạy bộ môn Giáo dục địa phương trong huyện đã thành công như vậy đấy.
Sau ngày hôm ấy, chúng tôi có thật nhiều chiếc lá xanh...
Mở đầu tiết học, cô Thắm đã cho các con khởi động bằng một trò chơi mới lạ và ý nghĩa. Trò chơi “Ai nhanh hơn” đã giúp các con tìm ra được những điểm khác nhau giữa một con phố sạch sẽ, tràn ngập sắc hoa với một con phố còn vương bãi những bừa bộn của cuộc sống thường nhật. Nhẹ nhàng, nhưng thấm thía, cô giáo đã dắt các con vào vấn đề hết sức quan trọng: “Bảo vệ cảnh quan môi trường thành phố Hà Nội”.
Để kích thích sự tò mò, ham học hỏi của các con, cô giáo đã áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược”. Cô giáo đã gửi video bài giảng Tiết 30, trước 1 tuần. Cô yêu cầu cả lớp học và báo cáo kết quả trên nhóm, trang web học tập của lớp. Các con rất tích cực tham gia học và chuẩn bị cho các hoạt động.
Nội dung ghi vở của các con cũng rất đầy đủ, sạch sẽ. Đặc biệt, có những con đã lựa chọn cho mình cách ghi chép bằng sơ đồ tư duy, vừa hiệu quả, vừa bắt mắt.
Sau khi kiểm tra, đánh giá được mức độ hiểu bài của các con, cô giáo đã tổ chức cho các con hoạt động luyện tập và vận dụng trên lớp. Rất nhiều hình thức, phương pháp học tập thú vị đã được triển khai. Các con học sinh rất thích thú và tự tin khi được thể hiện sản phẩm học tập và tài năng của bản thân:
1. Bài tập trắc nghiệm - kiểm tra mức độ hiểu vấn đề
2. Hoạt động Tranh biện - giải quyết vấn đề còn băn khoăn “Học sinh vẽ tranh bích họa – khó hay dễ?”’
3. Giới thiệu các phong trào bảo vệ cảnh quan thiên nhiên ở thành phố Hà Nội.
4. Tuyên truyền, đưa ra thông điệp Bảo vệ cảnh quan môi trường bằng một bài rap vui nhộn và các video, phóng sự
5. Xử lý tình tế về bảo vệ cảnh quan môi trường.
Các hoạt động vừa thu hút, lôi cuốn, lại rất sáng tạo của cô và trò cứ chảy, trôi nhẹ nhàng mà thấm thía. Các thầy, cô giáo dự giờ thăm lớp cũng thích thú khi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Nhìn cảnh quan thiên nhiên Hà Nội, nhìn cảnh quan thiên nhiên Vĩnh Quỳnh, nhìn ngắm mái trường thân yêu, nhìn cô và trò, sao mà yêu đến thế!
Quả thật, cảnh quan môi trường có xanh sạch đẹp hay không là nhờ vào chính hành động của chúng ta ngày hôm nay. Cuối buổi học, các trò nhỏ được cùng cô viết những hành động của mình đã, sẽ, đang làm để tạo lên những chiếc lá xanh, để làm xanh hơn cảnh quan môi trường, để hứa một lời hứa đầy trách nhiệm với cuộc đời.
Dưới đây là một vài hình ảnh sinh động của tiết học: