Trong những năm gần đây, trên cả nước xảy ra hàng loạt vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận và gây hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh. Nhận thấy tính chất nguy hiểm của sự việc đó cùng với việc muốn nâng cao hiểu biết và trang bị các kiến thức, kỹ năng để giúp các em học sinh chủ động phòng chống nạn xâm hại, bạo lực. Sáng ngày 23 tháng 10 năm 2023 Trường THCS Vĩnh Quỳnh tổ chức buổi Tuyên truyền phòng ngừa các loại tội phạm liên quan đến xâm hại, bạo lực, ngược đãi, bắt cóc, mua bán trẻ em do Báo cáo viên, kiểm sát viên – Mai Thị Phượng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì.
Tham dự buổi tuyên truyền có đồng chí Hoàng Văn Huệ - Phó phòng lao động thương binh xã hội, đồng chí Lê Thịnh – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường , cùng toàn thể các thầy cô CBGVNV và các em học sinh trường THCS Vĩnh Quỳnh.
Tại đây, các em học sinh đã được nghe phổ biến một số nội dung, cách phòng ngừa các tội phạm như: tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng; cách phòng chống bạo lực học đường,….Qua đó các em học sinh được trang bị nhũng kiến thức pháp luật cơ bản và những kỹ năng cần thiết để nhận biết hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đối tượng có khả năng thực hiện hành vi và đặc biệt là kĩ năng phòng, tránh xâ hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường.
Với hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động, báo cáo viên – Mai Thị Phượng đã giúp các em học sinh thêm hào hứng theo dõi và tích cực tham gia chương trình. Tại đây, báo cáo viên đã chỉ ra một số kĩ năng giúp các em nhận diện tội phạm và bảo vệ mình như sau:
Một là, nhận biết và tìm cách di chuyển khỏi nơi có không gian vắng vẻ, biệt lập khi chỉ có mình với người khác giới. Những nơi đó có thể hiểu là trong một căn nhà, căn phòng vắng, biệt lập; trong cầu thang máy của chung cư cao tầng; ở nơi cách đồng, nương rẫy vắng, cánh rừng vắng, trên một quả đồi vắng,…mà xét thấy khó có thể kêu gọi sự trợ giúp của người khác.
Hai là, có thái độ cương quyết trước hành vi, lời nói sàm sỡ, tán tỉnh, gạ gẫm, cử chỉ đụng chạm. Có thể nhìn thẳng vào mặt đối tượng và nói to: “Bác/chú/anh…dừng lại. có camera kia kìa”…Tìm cách thoát khỏi hoặc la hét hoặc kêu gọi sự chú ý, giúp đỡ của người khác nếu sau khi có thái độ, lời nói cương quyết mà thấy đối tượng vẫn có thể tấn công tình dục, quấy rối tình dục…Nếu trong thang máy mà bị đối tượng có ý định tấn công cũng hét to “có camera kìa” mặc dù mình không biết có hay không, hoặc nhấn vào nút chuông khẩn cấp để được bên ngoài trợ giúp, “làm nguội” dục vọng và cường độ tấn công của đối tượng.
Ba là, tự mình phòng ngừa, giúp bạn bè cùng phòng ngừa, cảnh giác, cân nhắc trước hiện tượng “lòng tốt” của người khác mà chưa rõ nguyên nhân (tặng quà, rủ đi ăn, đi hát, đi chơi, mời lên xe để chở về nhà, chở đến trường,…)
Bốn là, biết phân biệt cử chỉ thân mật, đúng mực với cử chỉ sàm sỡ, quấy rối hoặc lợi dụng để xâm hại, quấy rối tình dục,…
Một số kĩ năng phòng tránh bạo lực học đường:
- Tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo.
- Chấp hành tốt nội quy trường lớp.
- Tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực.
- Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí.
- Học cách kiềm chế cảm xúc.
- Tích cực tham gia các hoạt động mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính hướng thiện.
Buổi tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của học sinh, giúp các em có thể hiểu và thực hiện tốt pháp luật ngay từ khi còn đang học trong nhà trường, giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên; đồng thời biết bảo vệ mình trước các hành vi bạo lực, xâm hại; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu và nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật. Thông qua chương trình cũng giúp các em có thêm kiến thức kĩ năng tự bảo vệ mình, tạo môi trường học tập an toàn, hành mạnh, thân thiện.
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi tuyên truyền: