Sáng ngày 26 tháng 8 năm 2024, cô giáo Nguyễn Thị Huệ và cô giáo Nguyễn Thu Thảo - trường THCS Vĩnh Quỳnh vinh dự được đại diện tham dự lễ khai giảng khóa học đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho giáo viên Tiếng Anh, tổ chức tại Trường TH và THCS Dewey School - Hà Nội cùng với các thầy cô giáo Tiếng Anh và BGH khác đại diện cho các trường giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đây là một sự kiện quan trọng trong năm 2024, đánh dấu bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Khóa học đào tạo này được thiết kế đặc biệt cho các giáo viên đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam, nhằm nâng cao khả năng chuyên môn và cập nhật các phương pháp giảng dạy tiên tiến nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều giáo viên Tiếng Anh từ khắp các tỉnh thành, cùng chung tay nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ trong nước.
Khóa học có 1900 giáo viên môn Tiếng Anh tham gia tại Hà Nội dự kiến kéo dài trong vòng 3 - 4 tháng với các buổi học tập trung vào việc làm quen với hệ thống đánh giá IELTS, phát triển kỹ năng theo chuẩn quốc tế, và trao đổi kinh nghiệm học tập và sử dụng Tiếng Anh với các chuyên gia trong lĩnh vực. Đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của ngành giáo dục để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và tạo ra một môi trường học tập toàn diện hơn cho học sinh trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội.
Thầy giáo. TS. Thành ủy viên Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát biểu chỉ đạo về khóa học.
Thầy giáo Lê Hồng Vũ - Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao nhiệm vụ cho giáo viên.
Cô giáo Phương Nhân - Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ trường THPT Chu Văn An đại diện các thầy cô của CLB 200+ phát biểu nhận nhiệm vụ.
Các đại diện giáo viên môn Tiếng Anh huyện Thanh Trì tham dự lễ khai giảng
Một số hình ảnh khác tại buổi lễ:
Việc tham gia khóa học này không chỉ giúp giáo viên Tiếng Anh của trường THCS Vĩnh Quỳnh nâng cao trình độ chuyên môn mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh trong toàn bộ hệ thống giáo dục của địa phương. Sự đầu tư vào phát triển nghề nghiệp của giáo viên là một bước đi quan trọng trong việc tạo ra những thế hệ học sinh có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo và tự tin hơn trong môi trường quốc tế.