GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS VĨNH QUỲNH THAM GIA TẬP HUẤN
SGK LỊCH SỬ - ĐỊA LÝ 9 DO PHÒNG GD&ĐT THANH TRÌ TỔ CHỨC
Tiếp nối những hoạt động tập huấn chuyên môn cho giáo viên cấp THCS chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, ngày 22/07/ 2024 giáo viên lịch sử trường THCS Vĩnh Quỳnh đã tham gia buổi tập huấn chuyên sâu SGK Lịch sử - Địa lý 9 do Phòng GD & ĐT huyện Thanh Trì tổ chức.
Buổi tập huấn được diễn ra tại địa điểm trường THCS Chu Văn An. Tham dự buổi tập huấn có đồng chí Phạm Thúy Nhung – chuyên viên phòng GD &ĐT huyện Thanh Trì, Ban giám hiệu phụ trách chuyên môn của các trường THCS huyện và toàn thể giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử - Địa lý trên địa bàn huyện.
Trong buổi sáng, giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử - Địa lý Thanh Trì đã rất vinh dự được lắng nghe chia sẻ của Báo cáo viên – Thạc sĩ Nguyễn Trọng Đức (tác giả phần Địa lý). Nhằm giúp giáo viên dạy bộ môn Lịch sử - Địa lý Thanh Trì có được sự tiếp cận chính xác nhất với mục tiêu của chương trình GDPT 2018 và đặc biệt đáp ứng những băn khoăn, thắc mắc của giáo viên giảng dạy bộ môn này ở lớp 9, thầy Nguyễn Trọng Đức đã có những chia sẻ rất bổ ích và thiết thực. Đó là:
- Điểm mới trong SGK lớp 9 của môn (cấu trúc, thời lượng, mạch nội dung...) quy chiếu với yêu cầu cần đạt theo CT GDPT2018;
- Cách dạy các dạng bài cụ thể của môn;
- Phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức của môn học khi lên lớp, đặc biệt chú ý nhấn mạnh hoặc mở rộng đến phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại để phát huy tính tích cực học tập của học sinh;
- Hướng dẫn xây dựng kế hoạch bài dạy theo công văn 5512/BGD;
- Hướng dẫn công tác ra đề kiểm tra học kỳ theo TT27/2020.
(Thạc sĩ Nguyễn Trọng Đức chia sẻ trong buổi tập huấn)
Buổi chiều cùng ngày, giáo viên Lịch sử - Địa lý huyện Thanh Trì tiếp tục được nghe chia sẻ của Báo cáo viên – Tiến sĩ Hoàng Thanh Tú (tác giả phần Lịch sử). Ngoài những nội dung chia sẻ chung về cơ sở, quan điểm biên soạn; cấu trúc sách và bài học; điểm mới của sách; cô giáo - tiến sĩ Hoàng Thanh Tú đã rất tận tình hướng dẫn các giáo viên cách thức, quy trình thiết kế kế hoạch bài dạy. Có thể nói, với những hướng dẫn của cô, các giáo viên dạy bộ môn Lịch sử - Địa lý đã tự tin để soạn giảng các tiết giảng dạy theo đúng tinh thần của chương trình GDPT 2018.
(Tiến sĩ Hoàng Thanh Tú chia sẻ trong buổi tập huấn)
(Quy trình thiết kế kế hoạch bài dạy)
Có thể nói năm học 2024-2025 là một năm học thật sự quan trọng bởi lộ trình sử dụng SGK mới theo chương trình GDPT 2018 đã được thực hiện đồng loạt ở cấp THCS từ lớp 6 đến lớp 9. Lớp 9 năm nay đánh dấu mốc quan trọng đặc biệt, đây chính là kết quả đầu tiên của quá trình rèn luyện, tiếp cận và đổi mới của thầy và trò khi thực hiện chương trình GDPT mới. Chính vì vậy, tất cả giáo viên ở các bộ môn nói chung và giáo viên dạy Lịch sử - Địa lý nói riêng đều rất nỗ lực, thận trọng và cầu thị.
Những buổi tập huấn chuyên môn sâu như thế này thật sự rất quý giá và bổ ích. Nó không chỉ thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo mà còn thể hiện sự chỉ đạo sát sao, sự đầu tư mang tính chiến lược cho giáo dục nước nhà trong thời kì hội nhập phát triển. Tin tưởng rằng, giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục Thanh Trì nói riêng sẽ ngày càng phát triển bền vững, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Người viết: Đỗ Thị Hồng Vân