Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc biểu dương người tốt việc tốt. Từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1945, thời kì ấy Bác có yêu cầu báo Đảng và báo của các đoàn thể mở ra mục “Người mới, việc mới”, đi đôi với phong trào thi đua ở các cấp, các ngành, sau đổi tên thành “Người tốt, việc tốt”. Từ câu chuyện “hũ gạo cứu đói” năm nào của Người, trải qua 30 năm, phong trào ngày càng phát triển về chất và lượng, lan tỏa sâu rộng mọi lúc mọi nơi, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần nhân ái, nghĩa cử cao đẹp, góp phần gìn giữ và vun đắp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn hiến, văn minh, hiện đại. Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của thành phố Hà Nội được phát triển, nhân rộng trở thành phong trào chung của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước để ngày càng lan tỏa nhiều hơn cái tốt, cái đẹp, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.
Cô giáo Vũ Minh Phương sinh năm 1993 trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cô Phương đã chọn trường Đại học Sư phạm với chuyên ngành sư phạm Ngữ văn để thực hiện ước mơ làm nhà giáo của mình. Năm 2015, cô đã hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ cũng tại ngôi trường Đại học Sư phạm. Trong thời gian còn ngồi ghế nhà trường, cô luôn tu dưỡng đạo đức, trau dồi thêm những kiến thức bổ ích. Sau khi ra trường, cô được thoả niềm khát khao và yêu mến của mình khi được công tác tại trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Và sau đó một thời gian cô giáo Vũ Minh Phương đã chuyển công tác về trường THCS Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho đến nay. Kế thừa truyền thống hiếu học và lòng bao dung độ lượng, cô đã sống và làm việc đúng với tư tưởng của Bác Hồ và Đảng, cô Phương đã thấm nhuần tư tưởng và hơn hết xuất phát từ tấm lòng bao dung, nhân hậu sẵn có, cô đã cống hiến, giúp đỡ hết mình cùng sự nhiệt tình đối với mọi người, những người có hoàn cảnh khó khăn. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có một lời ca để lại bao khắc ghi trong tâm khảm khán giả: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. “Tấm lòng” ấy chính tình cảm thương mến, là thái độ sống tích cực, tương thân tương ái lẫn nhau, và rồi chỉ cần “để gió cuốn đi”. Mục đích của việc làm người tốt việc tốt chính là ở chỗ đó - là để sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, làm vơi đi những khó khăn, thiếu thốn, lan tỏa yêu thương giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng mà không cần hàm ơn, vụ lợi gì.
Hòa chung với phong trào thi đua của toàn thành phố nói chung, Ngành giáo dục cũng hưởng ứng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ - giáo viên. Không chỉ phát huy truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, phong trào còn phát hiện và vinh danh nhiều cá nhân, gương mặt tiêu biểu. Không chỉ có các đồng nghiệp, cô Phương là một tấm gương sáng luôn làm những việc có ích, có ý nghĩa với cộng đồng không phải để được khen ngợi, được vinh danh mà sâu thẳm để được sẻ chia, góp phần giúp đỡ với những mảnh đời bất hạnh, san sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. “Nơi lạnh nhất không phải Bắc cực mà là nơi thiếu vắng tình người”. Hơi ấm tình người chính là chiếc khăn voan ấm áp thắt chặt tình đoàn kết, sự gắn bó, để “người gần người hơn”, để những con người cùng chung dòng máu Lạc Hồng, con Rồng cháu Tiên ngày càng gắn bó keo sơn, bền chặt, tất cả cùng phát triển.
“Dù cho nắng tắt cuối ngày
Sao mờ lỗi hẹn, trăng gầy ngủ quên
Ngại gì hun hút màn đêm
Khi ta có một trái tim biết nhìn”.
Giữa những bộn bề của cuộc sống, giữa những quy luật và những biến đổi không ngừng, nhưng tin rằng chỉ cần ta có một “trái tim biết nhìn”, thì chắc chắn “những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”. Ngay từ khi bước vào ngành giáo dục, cô Minh Phương luôn chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cô còn luôn phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chi bộ, công đoàn, chi đoàn trong nhà trường để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội, ủng hộ từ thiện do các cấp, ngành, địa phương phát động. Nhiệt tình, có trách nhiệm cao với cộng đồng; đồng cảm và có sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những hoàn cảnh kém may mắn và lan tỏa tới mọi người xung quanh để cùng chung tay góp sức với thông điệp “Trao yêu thương để nhận thương yêu”. Cụ thể:
+ Ủng hộ quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, quỹ Vắc xin Covid-19; quỹ PASTB - Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao; chương trình “Cơm có thịt” - quỹ “Trò nghèo Vùng cao”; chương trình “Sóng và máy tính cho em” của UBND huyện Thanh Trì; phong trào “Chung tay vì nhân đạo”
+ Hưởng ứng lời kêu gọi “Trao yêu thương giữa mùa dịch” của Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Quỳnh
+ Khen thưởng đối với những học sinh có thành tích trong kì thi Học sinh giỏi, Học sinh năng khiếu, cuộc thi Đấu trường toán học cấp Huyện đối với lớp chủ nhiệm và đội tuyển Ngữ văn mà mình trực tiếp tham gia giảng dạy.
+ Nhận đỡ đầu cho HS có hoàn cảnh khó khăn (HS Nguyễn Hoài Anh - lớp 8A2 trường THCS Vĩnh Quỳnh). Hỗ trợ em về sách vở, đồ dùng học tập, thường xuyên giúp đỡ, kèm cặp em học tập. Kết quả: trong 2 năm liên tiếp, học sinh liên tục được danh hiệu Học sinh giỏi, tham gia đội tuyển Ngữ văn của trường.
Cô Phương luôn quan niệm, giúp đỡ người khác không chỉ về khía cạnh vật chất, mà giá trị tinh thần cũng rất lớn lao. Đối với đồng nghiệp trong trường, cô Phương thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, hỗ trợ các thầy cô trong trường những vấn đề liên quan tới chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ thông tin. Điều này đã góp phần giúp các thầy cô có sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn: với những giáo viên trẻ, mới vào nghề thêm niềm tin, bản lĩnh đứng lớp; những giáo viên có tuổi đã tự tin, thành thạo hơn những kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin - chuyển đổi số trong giai đoạn dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Từ đó, chất lượng dạy học được nâng cao.
Ngoài ra, cô Phương còn lập Fanpage “Học văn vui mà” với hơn 3.000 lượt người theo dõi. Tại trang này, cô thường xuyên đăng tải những bài viết chia sẻ về các ý tưởng, sáng tạo trong dạy học bộ môn Ngữ văn, kĩ năng đứng lớp, họp phụ huynh…đã được vận dụng vào thực tế và mang lại kết quả tốt. Fanpage nhận được nhiều phản hồi tích cực không chỉ của các đồng nghiệp mà còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các phụ huynh và học sinh. Rất nhiều đồng nghiệp chia sẻ rằng đã học hỏi được nhiều điều bổ ích, ý nghĩa, có thể vận dụng vào trong việc giảng dạy, quản lí lớp của mình để nâng cao chất lượng các giờ học.
Một số hình ảnh và phản hồi của đồng nghiệp - phụ huynh trên Fanpage
“Nhiều người ôm giấc mơ giàu sang. Vài người ôm giấc mơ bình yên…” Có lẽ nhiều người chỉ mong đổi đời và giàu có về tiền bạc để thay đổi cuộc sống thường nhật của mình. Nhưng với cô, mơ về cuộc sống bình yên giống như một nhà hiền triết với những công việc thầm lặng mà tận tuỵ của một nhà giáo: gieo những hạt giống, ươm những mầm non cho xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì. Những việc làm ấy, cuối cùng cũng được đền đáp bằng những “trái ngọt” trong sự nghiệp giáo dục:
Ngoài những thành tích trên, chỉ trong một học kì đầu của năm học 2023 - 2024, cô giáo Vũ Minh Phương cũng để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng những đồng nghiệp và học trò như:
Giải Nhất giải thưởng “Nhà giáo Thanh Trì tâm huyết, sáng tạo” lần thứ VII với đề tài “Đổi mới hình thức họp phụ huynh góp phần xây dựng lớp học hạnh phúc”
Giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố bộ môn Ngữ văn
Nhiều phụ huynh và học sinh chia sẻ, được trở thành học sinh của cô Vũ Minh Phương, được nghe cô giảng, được nghe cô chia sẻ chính là một điều hạnh phúc với các con. Có lẽ không quá khi nhìn vào thành tích lớp cô Phương dạy và chủ nhiệm. Nhiều năm liên tiếp cô tham gia bồi dưỡng đội tuyển Học sinh giỏi Ngữ văn của trường THCS Vĩnh Quỳnh và huyện Thanh Trì, có nhiều học sinh đạt giải cao. Ngay trong học kì I năm học 2023 - 2024 này: 100% học sinh đạt học lực trên trung bình ở các lớp được phân công, có nhiều học sinh đạt giải cao trong nhiều cuộc thi các cấp: 01 HS giải Nhì cấp Thành phố và 05 HS đạt giải cấp Huyện môn Ngữ văn lớp 9. Hướng dẫn đội tuyển Học sinh giỏi Văn của Huyện Thanh Trì có 8 giải Thành phố… Cũng nhờ sự cống hiến đó, cô vinh dự được Quỹ khuyến học, khuyến tài Chu Văn An tặng giấy khen “Giáo viên có thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn”.
Cô còn là một người thầy - người lái đò cần mẫn tận tuỵ lênh đênh trên suối nguồn yêu thương. Với quan điểm “Tôn trọng sự khác biệt của học trò”, “Mỗi học sinh đều có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu của riêng mình”, cô luôn giúp các trò bước ra khỏi “vùng an toàn”, tự tin sải bước và tỏa sáng. Từ 6A2 đến 8A2, các học trò của cô Phương không chỉ cao lớn hơn về diện mạo, mà trái tim hay tâm hồn cùng ngày một hoàn thiện hơn, nhân văn hơn. Nhờ sự động viên, khích lệ của cô, tập thể lớp A2 mà cô chủ nhiệm đã giành được những giải thưởng:
- Giải Nhất Hội thi văn nghệ chào mừng 92 năm ngày thành lập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh (năm học 2021 - 2022)
- Giải Nhì trong cuộc thi “Thời trang sách với thiếu nhi” Hưởng ứng ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 2 (năm học 2022 - 2023).
- Giải Nhì trong cuộc thi “Thời trang sách với thiếu nhi” Hưởng ứng ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 2 (năm học 2022 - 2023).
- Giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo trẻ” - Ngày hội Công nghệ thông tin lần thứ V (năm học 2022 - 2023).
- Giải Nhất “Học sinh Vĩnh Quỳnh văn minh - thanh lịch) (năm học 2023 - 2024)…
Câu nói “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” của Nguyễn Du cũng đã giải thích được phần nào sự vẹn toàn, tâm huyết của cô Phương về lòng nhân ái. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị của sự kết nối và tương tác xã hội.. Qua việc chia sẻ yêu thương, ta không chỉ làm cho bản thân trở nên giàu tình cảm mà còn làm cho môi trường xung quanh trở nên tích cực hơn. Nhân ái như một cầu nối, kết nối con người với con người, tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ và đầy yêu thương. Và tôi đã gặp được một người như thế - Người lái đò thầm lặng, một người thầy luôn hết mình vì trang giáo án, vì đồng nghiệp, vì các trò nhỏ, vì mọi người: Cô giáo Vũ Minh Phương!
Người viết bài
Bùi Thị Hà