Với mục đích qua buổi tập huấn nhằm nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của công tác xã hội trong trường học góp phần giảm thiểu các hình thức xâm hại, bạo lực trẻ em trong các nhà trường, cán bộ và giáo viên trường THCS Vĩnh Quỳnh đã tham gia “Tập huấn kỹ năng Công tác xã hội” vào ngày 8 và 9 tháng 8 năm 2024 Tại lớp số 3- Trường THCS Thanh Liệt.
Đợt tập huấn giúp giáo viên, cán bộ làm
công tác xã hội trong trường học được trang bị những kiến thức, kĩ năng cơ bản
nhằm hỗ trợ học sinh nâng cao năng lực tự giải quyết các vấn đề của bản thân
trong quá trình học tập và rèn luyện, đồng thời nâng cao năng lực trong việc
bảo vệ, trợ giúp học sinh khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực.
Trong buổi tập huấn, ngày 8/8/2024 các
thầy cô giáo đã được nghe ông Nguyễn Anh Tuấn- Huyện Uỷ viên- Trưởng phòng
Thương binh và Xã hội phát biểu tuyên bố lí do buổi tập huấn và chuyên gia
Nguyễn Duy Nhiên- Trưởng khoa Triết trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ về
những vấn đề chung về hoạt động công tác xã hội trong trường học. Với nội dung
cụ thể như: Đối tượng, vai trò, nhiệm vụ cụ thể của người thực hiện các hoạt
động công tác xã hội trường học, một số cách tiếp cận, các hình thức hoạt động,
các nguyên tắc cơ bản, chính sách pháp luật liên quan đến công tác xã hội
trường học cũng như hoạt động truyền thông trong trường học.
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Huyện Uỷ viên- Trưởng phòng Thương binh và Xã hội
Chuyên gia Nguyễn Duy Nhiên- Trưởng khoa Triết trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trong lớp tập huấn, chuyên gia đã chia sẻ nhiều bài học quý giá và những ví dụ thiết thực để các thầy cô có thể hiểu hơn
về kỹ năng công tác xã hội. Với phương châm: “Chúng ta có thể thay đổi tất cả,
bắt đầu từ thay đổi nhận thức!”… Cùng mục tiêu lớn nhất : “Trang bị cho con bản
lĩnh, ý chí, năng lực, nhận diện, đương đầu và vượt qua khó khăn thử thách: NAN
ĐỀ CUỘC SỐNG”- để con hoà nhập và phát triển. Muốn làm được điều đó phải có sự
kết nối điều phối các hoạt động giữa gia đình- cộng đồng- nhà trường. Chuyên
gia Nguyễn Duy Nhiên còn chia sẻ: “Thực tế đã và đang thay đổi; giáo viên phải
thay đổi! Hiệu trưởng phải thay đổi! Cha mẹ phải thay đổi! Có thế học sinh hạnh
phúc, nhà trường hạnh phúc, bắt nguồn hạnh phúc của người giáo viên: Giáo viên
hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự làm gương
trong gia đình để giáo dục trẻ về lòng hiếu thảo, kính trên nhường dưới, sống
tình cảm và có trách nhiệm…"
Ngày 9/8/2024, ở ngày thứ hai các thầy
cô huyện Thanh Trì được chuyên gia TS Tô Phương Oanh- Giảng viên khoa Công tác xã
hội, trường ĐHSPHN chia sẻ thêm về các hoạt động trong công tác xã hội trường
học. Cùng nội dung: phối hợp liên ngành và chuyển gửi; sự kết nối, phối hợp
giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng; các hoạt động phòng ngừa và can thiệp
với một số vấn đề trong trường học, các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, bạo lực
học đường, khó khăn học tập, vi phạm pháp luật. Cùng các kiến thức, kĩ năng về
tham vấn cơ bản đối với trẻ em trong trường học; tư vấn và hỗ trợ tâm lí trong
trường học. Ở buổi tập huấn, chuyên gia cũng đưa ra nhiều ví dụ mô phỏng hay và
lí thú khiến cho buổi tập huấn trở nên đầy sôi động cũng như thiết thực bổ ích.
Chuyên gia TS Tô Phương Oanh- Giảng viên khoa Công tác xã hội, trường ĐHSPHN
Dưới đây là một số hình ảnh trong hai buổi tập huấn:
Kết quả của hai buổi tập
huấn cũng đã được các thầy cô giáo đại diện trong lớp có ý kiến nhận xét với những
tâm huyết, với những kĩ năng chuyên môn, chuyên sâu của cô Oanh, thầy Nhiên đã
truyền đạt đến các thầy cô giáo những nội dung hết sức thiết thực, phù hợp với
cả cán bộ giáo viên, nhân viên của các trường khi làm việc với trẻ em trong cả
trường học. Rất mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm của
Sở Lao động Thương binh và Xã hội đặc biệt là Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ
trẻ em thành phố cũng như sự phối hợp công tác của các thầy cô giáo của trường Đại
học Sư phạm để huyện Thanh Trì tiếp tục có nhiều lớp tổ chức tập huấn để truyền
thông về công tác giáo dục pháp luật cho trẻ. Đặc biệt là phòng chống bạo lực
gia đình, phòng chống bạo lực trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tác
hại trên môi trường mạng đối với cả học sinh để giúp cho học sinh của chúng ta
hiểu sâu hơn, kĩ hơn, đúng đắn hơn về các
tác hại để có các biện pháp phòng ngừa cũng như tránh gặp phải những tệ nạn xã
hội đó. Thay mặt cho nhà trường THCS Vĩnh Quỳnh, xin trân trọng cảm ơn Sở Lao động
Thương binh và Xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ trẻ em thành phố, các
chuyên gia đã xây dựng buổi tập huấn thành công rực rỡ. Một lần nữa xin kính chúc
các thầy cô giáo luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc cho sự nghiệp trồng người của
chúng ta luôn thành công rực rỡ. Xin trân trọng cảm ơn!